Nhận định Chiến_tranh_Minh–Việt_(1407-1414)

Ngô Thì Sĩ có lời bàn:[11]

Người Minh thống trị nước ta, tự nghĩ có thể lấy oai lực mà áp chế được; nhưng từ tháng 5 Đinh Hợi bắt được Hồ rồi, tháng 10 vua Giản Định lại lên ngôi, rồi đến vua Trùng Quang, trong 5, 6 năm, chiến tranh không thôi, mới biết là khó bình được. Bấy giờ cần quyền ban chiếu sắc, nghĩ cách úy dụ dân; nhưng mà Trương Phụ đi đến đâu, dữ hơn hổ cái, Hoàng Phúc ra mệnh lệnh rối như lông lươn, vua Minh ở xa cách, không biết dân thuộc quốc khốn khổ đến thế, bảo sao mà dân chả nhớ nước cũ, mà coi Minh là cừu thù.

Phạm Văn Sơn trong Việt Sử Toàn thư nhận xét:[12]

Nhà Hậu Trần thất bại không phải là điều ngạc nhiên vì kiểm điểm tình trạng của mấy triều vua cuối cùng dòng Đông A, năng lực của các nhà lãnh đạo và sự kiệt quệ của nhân dân đời bấy giờ, ta thấy rõ rệt triều Trần không thể tồn tại mãi trên sân khấu chính trị Việt Nam. Nền móng đã lún, cột kèo đã mục, thì làm thế nào khỏi sự sụp đổ.Dẫu sao, ta cũng phải ngợi khen con cháu nhà Trần đến lúc suy tàn còn có một phen quật khởi, nhưng cũng do sự sụp đổ hoàn toàn của họ Trần, ta thấy rõ lý do xã hội Việt Nam cần phải thay trò đổi cảnh, con thuyền quốc gia mỏng manh như vậy mà trao mãi cho những tay lái bất tài thì sinh mạng của những kẻ đồng hành há là rơm rác sao! Ngoài ra, nhân dân Việt Nam đã ủng hộ cuộc kháng chiến của họ Trần đến như thế cũng là hết lòng, mà họ Trần không tái tạo nổi cơ đồ thì không còn phiền trách vào đâu nữa.